Theo dấu mãng xà U Minh Hạ: Khát khao diện kiến "thần rừng"
Nếu gặp hổ mây khổng lồ, có khả năng anh sẽ chui vào bụng rắn nhưng anh Truyền vẫn quyết tâm, kiên trì săn ảnh loài rắn chưa ai thấy này. Anh bảo: “khi tôi không về, hãy đi tìm máy ảnh của tôi”.
Anh Truyền và anh Vinh (ảnh nhỏ) cộng sự quyết tìm cho bằng được rắn hổ mây khổng lồ. Ảnh: TRẦN VŨ
LTS: Có rất nhiều câu chuyện kể về chuyện rắn hổ mây khổng lồ đang sinh sống ở rừng U Minh Hạ. Hiện nay, có một đôi bạn săn (một cán bộ của Vườn quốc gia U Minh Hạ và một thợ săn chuyên nghiệp) đang ngày đêm tìm kiếm dấu tích của chúng. Họ tin rằng những câu chuyện về rắn hổ mây khổng lồ là có thật, chứ không phải là “huyền tích”.
Anh Truyền từ chối thẳng thắn, không cho chúng tôi theo chân anh trong những chuyến đi săn ảnh rắn khổng lồ của mình. Anh nói rõ lý do: “Có thể các bạn không sợ chết. Nhưng có các bạn theo, chúng tôi dễ gặp nguy hiểm hơn”. Anh khẳng định công việc này anh chỉ chấp nhận một người đi theo, là cộng sự Võ Văn Vinh - một thợ săn chuyên nghiệp nay đã bỏ nghề, đang tìm cơ hội “chuộc tội” với rừng già U Minh Hạ.
Kế hoạch cảm tử
Anh Truyền là Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ phòng Kỹ thuật của Vườn quốc gia U Minh Hạ, huyện U Minh, Cà Mau. Vị kỹ sư lâm sinh này nổi tiếng ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ bởi các hoạt động vì sự đa dạng sinh học trong nhiều năm qua.
Từ hai năm nay anh có một công việc mới, gây sốc cho nhiều người. Đó là quyết tử đi săn những bức ảnh, những thước phim về rắn hổ mây khổng lồ. Nó không phải là công việc được lãnh đạo vườn quốc gia giao phó mà do chính anh tự đặt ra cho mình. Không vì cái lợi ích riêng tư nào cả, anh chỉ muốn công bố với thế giới biết rằng những con rắn khổng lồ ở U Minh Hạ là có thật chứ không phải “huyền tích” như nhiều người vẫn nghĩ. Và từ năm 2014, anh đã bắt đầu một kế hoạch công phu.
Đưa chúng tôi vào phòng làm việc của mình, anh Truyền khoe vừa được một tổ chức vì thiên nhiên hoang dã tài trợ ba cái bẫy ảnh - thiết bị kỹ thuật số ghi ảnh, quay phim tự động thú rừng. Bản thân anh trước đó đã mua được cái máy ảnh có cả chức năng quay phim, ống kính zoom quang học đến 32x.
Tuy nhiên, công phu hơn là việc chuẩn bị một cách ứng xử khi đối diện “thần rừng” - cách anh gọi rắn hổ mây khổng lồ. Anh bảo: “Hổ mây là loài rắn cực kỳ nhanh nhẹn và có nọc độc cực mạnh. Nhưng cũng như các loài rắn khác, tập tính của nó là chỉ tấn công con mồi và kẻ thù đang có nguy cơ gây hại cho nó. Do vậy, một thái độ điềm tĩnh, tự tin khi đối diện với rắn là hệ trọng nhất”. Tất nhiên, anh không nghĩ rằng khi đối diện với nó, anh sẽ vuốt ve, làm thân như kiểu trong các bộ phim khoa học viễn tưởng về KingKong. Nhưng một thái độ bình tĩnh, không run sợ, bỏ chạy mang yếu tố sống còn.
Với tình yêu thiên nhiên hoang dã mãnh liệt của mình, anh đủ lòng tin mình không bỏ chạy khi gặp rắn khổng lồ. Và một người nữa mà anh tin tưởng sẽ làm được như vậy là Võ Văn Vinh. Vinh vốn là thợ săn, từng trải khi đối diện với thú dữ như heo nanh ba chân, rắn hổ mang khủng. Vài lần Vinh đã chứng minh sự điềm tĩnh của mình khi bắt thử rắn hổ mang trước mắt anh Truyền. Điều đó đã tạo cho anh Truyền một lòng tin tuyệt đối vào Vinh. Và họ đã trở thành cộng sự trong những chuyến đi thám hiểm rừng già U Minh Hạ nhiều năm nay.
Tất nhiên, anh Truyền và Vinh vẫn nhận thức rõ khả năng bị rắn khổng lồ nuốt chửng là có và cũng không nhỏ. Bởi theo mô tả của những người từng nhìn thấy tận mắt thì chúng rất lớn. Và con người trong mắt chúng có khi là một con mồi ngon.
Nhưng chưa bao giờ Vinh, Truyền nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Nên cứ có chút thời gian rảnh việc công là hai anh vào thám hiểm các khu rừng già nhất U Minh Hạ. Kỳ vọng của anh Truyền là được một lần diện kiến “thần rừng” để có được những bức ảnh chứng minh với thế giới về loài rắn hổ mây khổng lồ ở U Minh Hạ, Cà Mau.
Tiêu bản rắn hổ mây tại trại rắn Đồng Tâm. Ảnh: TRẦN VŨ
Sẵn sàng đổi mạng lấy ảnh rắn khổng lồ
Công việc đầy hiểm nguy của anh Truyền, Vinh được nhiều người dân và cán bộ ở khu vực Vườn quốc gia U Minh Hạ biết đến. Có người đã khuyên các anh nên nghĩ lại, vì đó là công việc có thể kết thúc cuộc đời của cả hai anh. Anh Truyền hiểu rõ sự quan tâm ấy, những lời khuyên ấy là hữu ích, chân tình. Nhưng có lẽ chỉ có anh và Vinh mới hiểu hết ý nghĩa việc làm của mình nên chưa bao giờ nao núng.
Anh nói về triết lý sống của mình: “Quan điểm về hạnh phúc, về giá trị của cuộc sống mỗi người một khác nhau. Với tôi, làm được một cái gì đó có ích cho xã hội, ở đây là cho khoa học rồi chết đi thì có ý nghĩa hơn nhiều khi phải lây lất sống chờ già rồi mới chết. Cho nên tôi nói thật lòng, tôi sẵn sàng đổi mạng sống của mình với một bức ảnh rõ nét về rắn hổ mây khổng lồ”.
Do nghĩ vậy nên trước khi bước vào những cuộc thám hiểm rừng già săn ảnh rắn khổng lồ, anh Truyền vẫn hay nói với vợ, con và những người bạn thân của mình (trong đó có cả tác giả bài viết này). Rằng nếu một ngày anh và Vinh không về nữa, hãy đi tìm chiếc máy ảnh của anh.
Anh đã đầu tư, học cách chụp ảnh trong tình huống khẩn cấp nhất. Anh khoe: “Với cái máy này, tôi có thể bấm một phát ra chín bức ảnh trong tích tắc. Cho nên ở trường hợp tồi tệ nhất, tôi cũng sẽ bấm được ba phát, mấy chục bức ảnh rồi mới bị chết. Điều đó là chắc chắn”. Nghe anh nói câu này mà tôi rợn sống lưng. Có những con người như anh bỗng thấy cuộc sống này thật thú vị.
Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra với chúng tôi, vì sao anh Truyền lại có lòng tin tuyệt đối rằng có cặp rắn hổ mây khổng lồ như vậy đang ẩn náu nơi đây?
Anh Truyền cười, bảo: “Tôi về công tác ở vườn quốc gia này từ sáu năm qua. Lúc đầu cũng giống như các bạn, không tin. Vì trên bách khoa từ điển đã ghi rất rõ, rắn hổ mây thật ra là rắn hổ mang chúa. Trên bách khoa từ điển đến nay ghi nhận trên thế giới loài này từng bị phát hiện ở chiều dài thân 7 m và nặng khoảng 30 kg. Nhưng dấu vết của chúng ở cánh rừng này hoàn toàn khác”. Anh hoàn toàn có lòng tin cặp rắn đang trú ẩn ở vườn quốc gia này to như cây cột điện và có thể nặng cả trăm kg.
Nhưng với cái óc làm khoa học, anh không cho phép mình chỉ dựa vào lòng tin cảm tính. Anh phải chứng minh nó bằng hình ảnh mà ai cũng phải thừa nhận. Đó cũng là ý nghĩa lớn nhất cho công việc đầy cảm tử, săn ảnh “thần rừng” U Minh Hạ của anh mấy năm qua.
Theo Trần Vũ (Pháp Luật TPHCM