Con rắn lục đuôi đỏ dài cả mét, rất to. Người dân nói nó có vẻ như đang chửa nên muốn tìm chỗ để sinh sản.
Con rắn lục đuôi đỏ nằm vắt trên mành lưới sát cửa chính nhà chị M. Ảnh do người dân cung cấp.
Sáng 21-2, chị Trần Thị M. ( nhà số 217/10/19/18, đường TL 19, Khu phố 3C, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM) vừa mở cửa chính trước nhà thì phát hiện một con rắn đang nằm vắt ngang trên mành lưới sắt, sát bên cửa.
“Thấy con rắn to lại có cái đuôi màu đỏ, biết là rắn lục đuôi đỏ thuộc loài rắn độc có thể cắn chết người nên tui cũng hoảng, vội kêu người nhà ra xem”, chị M. kể lại.
Sau khi phát hiện, người nhà chị M. đập chết con rắn. Ảnh: K.B
Sau khi phát hiện con rắn lục đuôi đỏ đu mình ngay bên cửa, người nhà chị M. đã đâp chết con rắn này. “Con rắn này dài cả mét, có vẻ như đang chửa nên muốn tìm chỗ để sinh sản”, người nhà chị M. nhận định.
Chồng chị M. cho biết, bốn ngày trước, khi ra vườn hái rau anh cũng hốt hoảng khi thấy một con rắn lục đuôi đỏ đang bò trườn trong luống rau cải. “Do luống rau được quây lưới dày nên con rắn không chui ra được, cứ bò lòng vòng trong đó. Tui sợ nó cắn nên lấy cây đập chết rồi vứt xác ra xa”, chồng chị M. cho biết.
Người dân ở Khu phố 3C từng bắt sống được cả rắn lục đuôi đỏ con. Ảnh: K.B.
Nhiều người dân ở Khu phố 3C, gần nhà chị M. cho biết thêm, khoảng từ giữa cuối năm 2015 đến nay họ liên tục phát hiện rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở khu vực này. Có người đập chết đến mấy chục con. Đáng lo hơn, người dân còn phát hiện có tình trạng rắn lục đuôi đỏ chui vào nhà, suýt cắn trẻ con.
Khu phố 3C (phường Thạnh Lộc, quận 12) gần sông Sài Gòn, là nơi đang có nhiều dự án san lấp, xây dựng nhà ở. Đây cũng là một trong những khu vực ven sông Sài Gòn được báo Pháp Luật TP.HCM phản ánh về tình trạng rắn lục đuôi đỏ xuất nhiều trong năm 2015.
Nhiều trẻ em ở phường Thạnh Lộc suýt bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Ảnh: K.B
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam nhận định, rắn lục xuất hiện nhiều có thể do tình trạng đô thị hóa ven sông xảy ra rầm rộ. Theo đó, những khu vực bị san lấp làm dự án, rắn mất môi trường sống, thiếu nguồn thức ăn, chúng phải di chuyển sang những nơi khác…
Theo TS Long, rắn lục đuôi đỏ có tỉ lệ sinh sản thành công rất cao, gần như 100% rắn con sau khi sinh sản đều sống, trưởng thành.
Theo Khang Bách (Pháp luật TPHCM