H. cầm chân từng con gà đã làm sạch lông, da trắng muốt nhúng toàn thân vào nồi, đảo qua lại 2 lần cho màu thấm vào rồi nhấc nhanh ra. Lúc này, toàn thân con gà vàng ươm, da căng phồng, trông gà béo ngậy...
Lâu nay, giới buôn gà thường rỉ tai nhau về việc sử dụng hóa chất nhuộm gà làm sẵn cho bắt mắt. Gà nhuộm xong có da vàng ươm, béo ngậy, căng phồng, ai nhìn cũng muốn mua.
Để kiểm chứng, chúng tôi đến nhiều chợ tự phát ở các phố ngoại thành Hà Nội như đường B52, Bưởi, chợ tạm thuộc Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, (quận Cầu Giấy), Trường Chinh, Láng (quận Đống Đa), Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai)… đều bắt gặp những quầy bán gà vàng ươm, con nào con nấy béo ngậy.
Cho vào nồi nhuộm - Ảnh: Hoài Nam (Thanh Niên). |
Tương tự, ở TP.HCM, rảo quanh các chợ tự phát như trên các tuyến đường Tô Ký, Nguyễn Văn Quá, Nguyễn Ảnh Thủ, Lê Văn Khương (Q.12), Phan Văn Trị, Nguyễn Oanh, Thống Nhất, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp), Bình Long, Tân Hương, Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú)… cũng thấy bán rất nhiều loại gà làm sẵn da vàng ươm.
Công nghệ nhuộm
Theo bí quyết của dân buôn gà, trước khi mang ra chợ bán, gà làm sẵn được nhuộm qua một loại màu là “bột sắt”. Loại bột này, chỉ cần bỏ vào khoảng nửa thìa cà phê là nhuộm được khoảng trên dưới 100 con gà. Đặc biệt, dân buôn gà khẳng định dùng “bột sắt” nhuộm gà sẽ không bị người mua phát hiện, bởi khi nhuộm nước màu ngấm sâu vào da gà. Nhuộm xong, mang gà ra nước rửa thoải mái vẫn không bị phai màu, vì vậy không sợ bị khách hàng “mắng vốn”.
Một lái buôn cả gà thịt lẫn gà sống ở chợ Lòng Thuyền (P.Lĩnh Nam, Hà Nội) tên H. cho biết, lúc đầu không biết cách nhuộm gà và chỉ nhuộm bằng bột nghệ nên không “bắt mắt”. Sau đó, được một bạn hàng “truyền bí quyết” dùng “bột sắt” nhuộm mới là tuyệt chiêu. Từ đó, H. thường xuyên mua “bột sắt” về nhuộm gà trước khi mang ra chợ bán lẻ.
Cũng theo H., tất cả các bạn hàng anh biết đều mua “bột sắt” về để nhuộm. “Tôi làm ít nên chỉ mua vài lạng. Có người mua cả ký bột sắt vì họ có nhiều mối nhà hàng, quán ăn đặt số lượng cả trăm con mỗi ngày”, H. cho biết.
"Ông chỉ cần bỏ vào chút xíu là gà vàng ươm, nếu muốn vàng đậm để nướng lu, hoặc quay, ông bỏ thêm bột vào nồi" -H., một người buôn gà
Bán tín bán nghi về loại “bột sắt” mà H. nói, sáng sớm hôm sau chúng tôi đến nhà H. ở khu Mai Dịch (huyện Từ Liêm, Hà Nội). Lúc này, H. và vợ đã làm thịt được khoảng 30 con gà.
Để cho vợ làm hết số gà đã vặt lông, H. mở nồi nước nóng vẫn đặt trên bếp lò, dùng muỗng nhỏ múc nửa muỗng “bột sắt” bỏ vào nồi, lập tức nước trong nồi chuyển sang màu vàng ươm.
Tiếp đến, H. cầm chân từng con gà đã làm sạch lông, da trắng muốt nhúng toàn thân vào nồi, đảo qua lại 2 lần cho màu thấm vào rồi nhấc nhanh ra. Lúc này, toàn thân con gà vàng ươm, da căng phồng, trông gà béo ngậy, khác hoàn toàn màu trắng nhợt, da nhăn như lúc mới vặt lông xong.
Cứ thế, chỉ một chốc, gần 50 con gà được H. nhuộm màu xong. “Bột sắt rất chuẩn. Ông chỉ cần bỏ vào chút xíu là gà vàng ươm, nếu muốn vàng đậm để nướng lu hoặc quay, ông bỏ thêm bột vào nồi”, H. hướng dẫn.
Chất độc!
Theo chỉ dẫn của H., tôi tìm đến phố Hàng Khoai (Hà Nội) tìm mua “bột sắt”. Thấy người đàn bà khoảng trên 40 tuổi ngồi trên ghế nhựa dưới gốc cây bàng, bên cạnh là chiếc thúng đựng túi chứa các loại màu, tôi hỏi mua hai lạng “bột sắt”. Vừa thò tay lấy ra một túi bột đóng sẵn, bà ta vừa bĩu môi: “Cậu mới vào nghề buôn gà hay sao mà mua ít thế. Dân buôn chuyên nghiệp ngày nào cũng tới mua cả ký, ai mua hai lạng như cậu bao giờ…”.
Nói vậy, bà vẫn đưa gói bột cho tôi và thu 30.000 đồng/2 lạng “bột sắt”. Về nhà, tôi lấy thử một chút “bột sắt” ra hòa tan. Bị nước màu dính vào tay, tôi cố gắng dùng xà bông rửa thế nào cũng không sạch!
Mang “bột sắt” mà chúng tôi mua ở phố Hàng Khoai vào TP.HCM đến gặp tiến sĩ Đàm Sao Mai, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, để nhờ kiểm nghiệm tìm độc tố.
Sau hai ngày phân tích, tiến sĩ Mai cho biết “bột sắt” là một loại màu công nghiệp chứa chất 2,4 diaminoazobenzene hydrochloride. Chất này được dùng trong công nghiệp sản xuất polymer, thuốc nhuộm tóc, sản xuất cao su (chất chống ôxy hóa cao su), mực in... và tuyệt đối cấm sử dụng trong thực phẩm.
Quầy “bột sắt” ở chợ Kim Biên (TP.HCM) - Ảnh: Hoài Nam (Thanh Niên). |
Cũng theo tiến sĩ Mai, chất bột màu này là dạng độc tố, khi tích lũy trong cơ thể con người có khả năng gây tổn hại cho gan và thận, gây ung thư da, ung thư bàng quang. Tiếp xúc thường xuyên sẽ gây viêm da nặng, kích ứng mắt và chảy nước mắt, hen suyễn, viêm dạ dày, suy thận, chóng mặt, run, co giật, và hôn mê. Triệu chứng khi nuốt phải lượng lớn: đau bụng, môi và móng tay chuyển màu xanh tím, co giật ói mửa, khó thở, buồn ngủ, lịm dần.
Tìm hiểu ở TP.HCM, chúng tôi cũng được dân buôn gà cho biết họ vẫn thường xuyên lên chợ Kim Biên (Q.5) mua “bột sắt” về để nhuộm gà trước khi mang bán lẻ ngoài chợ. Theo lời các lái buôn, chúng tôi tìm đến chợ Kim Biên và dễ dàng tìm được loại “bột sắt” giống y chang “bột sắt” ở phố Hàng Khoai. Có điều, người bán ở chợ Kim Biên nói chỉ bán từ 1 kg (giá 150.000 đồng) trở lên, chứ “không bán lẻ, mất thời gian!”.
<>Cảnh giác với các thực phẩm có màu vàng bất thường
Theo bác sĩ Phạm Xuân Dũng, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, vào đầu thập niên 1980, tại một vùng ở Anh người ta ghi nhận trên một nhóm người câu cá nghiệp dư thường xuyên sử dụng phẩm màu công nghiệp có tên 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride để nhuộm một loài sâu làm mồi câu cá.
Sau 5 năm, những người này có tỷ lệ mắc bệnh ung thư bàng quang cao hơn nhóm người không sử dụng chất 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride. Sau đó, cũng có công trình nghiên cứu thử nghiệm trên chuột và đưa ra ghi nhận chất 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride gây ung thư tế bào gan và ung thư máu trên cơ thể chuột...
“Chắc chắn 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride là chất không được dùng trong thực phẩm, vì nó thuộc màu công nghiệp”, bác sĩ Phạm Xuân Dũng nói.
Anh Toàn, một kỹ sư hóa chuyên kinh doanh hóa chất phụ gia thực phẩm tại TP.HCM, nói: “Chất 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride là phẩm màu công nghiệp. Loại màu này được dùng chủ yếu trong công nghiệp nhuộm, giá hàng xuất xứ từ Trung Quốc chỉ từ 70 - 80 ngàn đồng/kg. 2,4 - diaminoazobenzene hydrochloride gây độc hại cho gan và thận, nó có thể gây chết người ở liều lượng cao".
Cũng theo anh Toàn, một số người còn dùng acid orange - một loại phẩm màu công nghiệp được dùng trong sản xuất nhang và nhuộm vải, để nhuộm cho da gà, măng... có màu vàng tươi hấp dẫn. Loại phẩm màu này chỉ có giá từ 30 - 40 ngàn đồng/kg, trong khi phẩm màu vàng dùng cho thực phẩm giá cao gấp nhiều lần.
Bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm VN, cho rằng trong phẩm màu công nghiệp chứa nhiều tạp chất, kim loại nặng, có tính bám dính chắc vào cơ thể, khó phân hủy - là yếu tố gây bệnh mãn tính, ung thư.
Theo Thanh niên