Cà phê độc, bẩn: Trăm dâu đổ đầu… người uống (!)

Nạn nhân trực tiếp của hành vi gian lận trong thị trường cà phê “đen” không ai khác chính là người tiêu dùng. Uống nước đậu nành + bột bắp pha nước mắm mà vẫn phải trả tiền như ly cà phê thật, ngay tại đất nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, thật là sự oái ăm và “quá đắng” cho người tiêu dùng Việt.

Người Việt tiêu thụ 16,8 tỷ cà phê mỗi năm?

Tìm hiểu vấn đề từ một nguồn thông tin tham khảo “đối chứng” từ báo cáo về ngành cà phê Việt Nam do Bộ Nông Nghiệp Hoa Kỳ (xuất bản ngày 6/1/2016), niên vụ 2015/2016 thì lượng tiêu thụ cà phê rang xay nội địa tại Việt Nam ước đạt 2,25 triệu bao, tương đương 135 triệu kg cà phê nguyên liệu.

Nếu lấy bình quân theo chuẩn ly cà phê espresso của Mỹ, một ly cà phê pha chế mất 8gr cà phê nguyên liệu. Vậy theo “tính toán cơ học”, trung bình mỗi năm người Việt Nam có thể tiêu thụ hơn 16,8 tỷ ly cà phê.

Quả thật đây là “con số ấn tượng” cho cả giới kinh doanh lẫn người tiêu dùng, đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi: Liệu trong 16,8 tỷ ly cà phê ấy, có bao nhiêu ly được làm từ cà phê nguyên chất? Và nếu không có đủ hàm lượng caffeine tối thiểu, hoặc tệ hơn là không hề có caffeine, thì hàng tỷ ly cà phê ấy chứa gì? Giữa vòng vây của các loại cà phê mà không phải cà phê đó, ai là nạn nhân và ai là người phải chịu trách nhiệm?

Một khảo sát độc lập khác gần đây cho biết, trung bình người Việt uống 1 ly cà phê/ngày, và với chất lượng cà phê hiện nay thì ngày qua ngày thì những chất độc, trộn, bẩn không tên có thể tích tiểu thành đại. Cà phê chất lượng kém với giá rẻ không ngờ được chào bán công khai trên thị trường, đặc biệt thu hút những chủ hàng cà phê cóc, cà phê bệt, vỉa hè, xe đẩy, căng tin bệnh viện... Kết quả kiểm nghiệm trên cũng đưa ra con số đáng lo ngại, gần một nửa số mẫu cà phê được mua ngẫu nhiên từ các quán cà phê bệt, vỉa hè, xe đẩy, có hàm lượng caffeine cực thấp hoặc không hề có caffeine.

Cà phê nguyên liệu tại một cơ sở sản xuất cà phê bột

Cà phê nguyên liệu tại một cơ sở sản xuất cà phê bột

Trong khi đó thực tế ghi nhận, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu chính thức nào từ các cơ quan chức năng để chỉ ra tác hại cụ thể của cà phê bẩn, độc… ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng. Tuy nhiên, không ai có thể khẳng định nó hoàn toàn vô hại. Nhất là khi khoa học đã chứng minh thực phẩm cháy khét sẽ gây nên nhiều bệnh ung thư khó cứu chữa, cùng với những hóa chất không rõ nguồn gốc, trong đó có nhiều chất không hề được khuyến khích sử dụng trong công nghệ thực phẩm như chất làm đặc, kí ninh, bơ, dầu công nghiệp... - thì chuyện uống một ly cà phê đã trở nên quá mạo hiểm.

“Trăm dâu đổ đầu… người uống”

Giữa vòng vây của cà phê trộn được quảng cáo là cà phê nguyên chất một cách hùng hồn từ các nhân viên tiếp thị cà phê, kèm thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn của các đại lý phân phối, người bán lẻ cà phê có thể cũng chỉ là nạn nhân của cà phê bẩn. Từ đó, họ vô tình gián tiếp tiếp tay cho hành vi kinh doanh không trung thực, đánh lừa người tiêu dùng từ những nhà sản xuất kinh doanh cà phê không minh bạch thành phần.

Trong khi đó, những chủ tiệm bán lẻ cà phê chính là đối tượng tiêu thụ phần lớn số cà phê bẩn, độc, trộn này. Với giá thành chỉ bằng một nửa, thậm chí 1/3 so với cà phê nguyên chất, chuyện họ nhập và bán cà phê trộn là hoàn toàn có thể lý giải được. Nhiều người bán cà phê lẻ, nhất là cà phê bệt, vỉa hè, xe đẩy, căng tin... pha chế ra những ly cà phê chỉ có giá trên dưới 10.000 đồng, nhằm đánh vào tâm lý “chuộng hàng rẻ, vừa túi tiền” của người tiêu dùng mà không quan tâm đến chất lượng sản phẩm.

Để giải quyết tình trạng này, vấn đề gốc rễ vẫn là từ các cơ sở sản xuất cà phê . Ông William Robert Frith Jr – một chuyên gia về kiểm soát chất lượng cà phê của Mỹ và cũng là nhân vật đã gắn bó với cây “công nghiệp xanh” cà phê Việt trong gần chục năm qua, cho biết: “Ở nhiều nơi tại Mỹ, luật pháp bắt buộc phải liệt kê danh sách các thành phần được dùng trong thực phẩm, sau đó phải được sự chấp thuận của các thanh tra y tế. Các thanh tra viên sẽ quay lại kiểm tra một năm một lần hoặc nhiều hơn để chắc chắn rằng mọi thứ luôn trong tình trạng tốt. Điều này cũng đang được thực hiện ở các nước khác”.

“Theo đó, nếu như các cơ sở sản xuất cà phê trộn ở Việt Nam cũng được kiểm soát một cách chặt chẽ như vậy, buộc phải minh bạch thành phần, bao nhiêu hàm lượng cà phê nguyên chất, bao nhiêu chất phụ gia, xuất xứ ở đâu... thì cà phê Việt mới mong lấy lại dần uy tín đáng có của mình – và ngay chính trên “sân nhà” - ông William Robert Frith Jr, chia sẻ thêm.

Việt Khuê – Mai Anh