Cá lại chết, thợ lặn tử vong, dân sợ

Sáng 25/4, cá chết lại trôi dạt vào bờ biển Vũng Áng Hà Tĩnh, 1 thợ lặn tử vong khiến người dân lo sợ.

Cá lại chết, thợ lặn tử vong, dân sợ - 1

 

 

 

 

Cá chết trôi dạt vào bờ biển Vũng Áng, Hà Tĩnh ngày 25/4

 Lo ngại khả năng lây lan của độc tố

8h30 sáng, chúng tôi có mặt ở khu vực biển Kỳ Nam, TX Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Theo quan sát trên bờ biển dài hơn 200m, hiện tượng cá chết trôi dạt vào bờ lại tiếp tục xuất hiện. Trong số cá trôi dạt vào bờ có những con cá trông còn khá tươi, nhưng cũng có con đang trong tình trạng phân hủy mạnh.

Theo một số người dân, số lượng cá chết đã giảm nhiều so với 4-5 ngày trước. Đáng chú ý, ngoài cá, một số loại hải sản khác như: Sao biển, sứa, mực và cả lạch biển cũng bị chết. Đây là những loài sống ở tầng mặt, tầng đáy khu nước cạn gần bờ. Chính điều này khiến người ta lo ngại về khả năng lây lan của độc tố. Mặc dù cá chết trôi dạt bờ biển, nhưng trên thực tế không có bất cứ cơ quan, tổ chức đoàn thể nào đứng ra thu gom, xử lý xác cá. Đến khoảng 9h, một đoàn cán bộ của Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh tới khu vực này.

Tuy nhiên, đoàn không tổ chức thu gom xác cá mà chỉ dừng lại ở công việc kiểm tra tình hình thực tế trên bờ. Ông Nguyễn Công Hoàng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, người dẫn đầu đoàn thực địa cho biết: “Xác những loại cá trôi dạt vào bờ hôm nay chỉ mới chết cách đây 3-5 ngày. Hiện, chúng tôi cũng khuyên bà con ngư dân khu vực này nên tạm dừng đánh bắt cá gần bờ.”

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch UBND TX Kỳ Anh cho biết, sáng nay tôi nghe anh em báo về là cá tiếp tục chết, tuy nhiên số lượng rất ít. Về công tác thu dọn, tiêu hủy số lượng cá chết trôi dạt, chúng tôi chỉ đạo các xã phường, đoàn thanh niên tổ chức dọn sạch, chôn lấp, tiêu hủy theo đúng quy định của Sở NN&PTNT để tránh ô nhiễm. Về việc hỗ trợ, bồi thường cho ngư dân, ông Hà cho biết thêm, hiện Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý về mặt chủ trương nên thị xã cũng đang xây dựng phương án hỗ trợ để bà con ngư dân sớm ổn định cuộc sống.

Một thợ lặn ở Vũng Áng tử vong

Chiều 25/4, PV Báo Giao thông cũng đã nhận thông tin anh Lê Văn Ngầy (SN 1970), công nhân của Công ty Nibelc (trụ sở đóng ở xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã tử vong. Anh Ngầy là thợ lặn dưới biển để thi công xây dựng đê chắn sóng cảng Sơn Dương, Formosa. Chia sẻ với PV, một thợ lặn cho biết, thứ 6 (ngày 21/4) sau khi đi lặn về, anh Ngầy thấy khó thở, mệt mỏi nên Công ty Nibelc đã đưa anh đi khám. Sau đó, anh Ngầy về ký túc xá của Công Nibelc ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để nghỉ ngơi chờ thứ 2 (25/4) đưa đi khám lại. Tuy nhiên, đến 17h chủ nhật (24/4) anh Ngầy đã tử vong trước khi đưa đến bệnh viện. 

Ngay trong đêm 24/4,  cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm tử thi,  sau đó bàn giao thi thể anh Ngầy cho gia đình để đưa về quê tại Khánh Hòa mai táng theo phong tục địa phương. Hiện, nguyên nhân tử vong của anh Ngầy vẫn chưa được cơ quan chức năng thông tin.

Theo lời kể của một số công nhân Công ty Nibelc, thời gian gần đây, một số thợ lặn cho biết, sau khi lên bờ cẩm thấy tức ngực, khó thở, thậm chí là người ngứa bất thường. Nhiều thợ lặn làm được 2, 3 năm đã cảm nhận được sự khác biệt của nước biển thời gian gần đây với năm ngoái. Về phía Công ty Nibelc, PV vẫn chưa thể liên lạc được bởi lý do lãnh đạo đang “đi vắng”!

Dân sợ không dám thả cá giống

Trong lúc cơ quan chức năng vẫn chưa tìm được nguyên nhân làm cá chết hàng loạt, người dân vùng biển tỏ ra vô cùng hoang mang. Hầu hết mọi người đều quay lưng với cá biển. Các hộ nuôi trồng thủy sản cũng không dám thả giống hay lấy nước vào ao hồ nuôi vì sợ dính phải nước nhiễm độc.

Ông Mai Khuyến, một chủ lồng nuôi cá biển ở xã Kỳ Ninh, TX Kỳ Anh cho biết: Ông vừa thả 4.000 con cá hồng, cá vược giống nhưng chỉ sau 1 ngày toàn bộ số cá trị giá 20 triệu đồng đã nhiễm độc chết gần hết. “Nhìn cá chết mà tôi chẳng biết làm gì. Các hộ nuôi lồng bè ở đây đều bị cả. Đến giờ tỉnh, huyện vẫn chưa biết nguyên nhân bị làm sao nữa. Vào vụ nuôi rồi mà không ai dám thả tiếp”, ông Khuyến hoang mang.

Cũng trong tình cảnh tương tự, anh Ngọc, chủ lồng nuôi cá ở xã Kỳ Ninh đã mất trắng gần 100 triệu đồng tiền cá giò, cá mú khi chuẩn bị thu hoạch. Giờ anh đành bỏ không lồng bè, không dám thả cá mới vì không biết khi nào sự việc lại tái diễn.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, chuyên gia hóa môi trường PGS. TS. Trần Hồng Côn cho biết, theo danh mục hóa chất mà Formosa nhập về qua Chi cục hải Quan Hà Tĩnh, hầu hết đều là các chất hoặc hỗn hợp chống gỉ, chống ăn mòn, diệt sinh vật và tách xỉ. Trước lo ngại của người dân về việc sử dụng hải sản, tắm biển tại những khu vực biển bị ô nhiễm, TS. Côn khuyến cáo: “Khi cơ quan chức năng chưa xác nhận nước biển sạch trở lại, người dân không nên khai thác, sử dụng nguồn thủy sản tại đây, đặc biệt cá chết do ô nhiễm chắc chắn đã bị ngấm hóa chất. Ngư dân cũng không nên dẫn nước biển trong thời gian này về làm muối”.

Về việc người dân đến tắm tại những bãi biển nghi ô nhiễm, ông Côn cảnh báo: “Danh mục hóa chất của Formosa Hà Tĩnh có nhiều chất cực độc bởi nồng độ nitrit và các gốc hữu cơ triozone cao. Nếu nguồn hóa chất này chưa được xử lý mà đã thải ra biển chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người tắm biển. Đây là những chất gây kích ứng da, viêm giác mạc ở mắt và đặc biệt nguy hiểm nếu uống phải”.

Thủ tướng yêu cầu báo cáo ngay biện pháp xử lý

Chiều 25/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo đối với UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, yêu cầu rà soát, thống kê các hộ nuôi trồng, khai thác thuỷ, hải sản bị thiệt hại, mức độ thiệt hại, đảm bảo đầy đủ, chính xác; Có đề xuất biện pháp hỗ trợ cho bà con ngư dân, nhất là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, các trường hợp bị thiệt hại lớn, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Không được để dân thiếu đói do phải ngừng đánh bắt hải sản”.Mặt khác, Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ KH&CN, Công an, Quốc phòng, Công thương, Y tế... chủ động phối hợp, hỗ trợ các Bộ TN&MT, NN&PTNT khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây hiện tượng hải sản chết bất thường tại các địa phương này; Báo cáo ngay Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý nghiêm vi phạm.

Cá chết do độc tố mạnh

Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có văn bản thông báo Ý kiến kết luận của Thứ trưởng Vũ Văn Tám tại cuộc họp về hiện tượng cá chết bất thường tại các tỉnh ven biển miền Trung.Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy, cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường.

Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như: Sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác.Bộ NN&PTNT cũng đã giao sở ngành các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quan trắc môi trường, căn cứ thực tế của địa phương, khi thấy điều kiện đảm bảo thì tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất.