Đó là bệnh nhân 30 tuổi, ở Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, được chẩn đoán mắc não mô cầu. Đây cũng là ca đầu tiên được ghi nhận ở Hà Nội trong năm 2016.
Hà Nội ghi nhận ca mắc não mô cầu nguy hiểm đầu tiên. Ảnh minh họa
Hôm nay, 3/3, BS Nguyễn Trung Cấp - Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) cho biết, ngày 29/2, khoa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân 30 tuổi (Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nghi viêm màng não và kết quả xét nghiệm đã khẳng định bệnh nhân mắc não mô cầu nguy hiểm.
Trước đó, ngày 27/2, bệnh nhân này bắt đầu có biểu hiện sốt, đau đầu, nôn và buồn nôn. Sau 2 ngày sốt bệnh nhân thêm triệu chứng lơ mơ, hôn mê nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội). Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não, và chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, hiện tại bệnh nhân tỉnh nhưng các triệu chứng viêm màng não rất rõ ràng với biểu hiện nôn, đau đầu nhiều.
Kết quả cấy dịch não tủy đã khẳng định người bệnh mắc não mô cầu dù trên cơ thể bệnh nhân không xuất hiện các ban điển hình của viêm màng não mủ.
Ngay khi có kết quả khẳng định bệnh nhân mắc não mô cầu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã thông báo với Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để các đơn vị khoanh vùng, giám sát người tiếp xúc gần với bệnh nhân, dùng thuốc dự phòng bệnh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, bệnh nhân cũng được điều trị cách ly, phòng nguy cơ lây sang cho người khác.
Trước đó, tại Hải Dương, một nữ sinh cấp 3 đã tử vong do mắc não mô cầu. Hơn 50 người có liên quan đã được theo dõi diễn tiến. Đến nay sau 10 ngày theo dõi, hiện những người tiếp xúc gần bệnh nhân sức khỏe bình thường, không cần tiếp tục cách ly, không có ca bệnh mới.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh não mô cầu xuất hiện quanh năm, có thể xảy ra dịch vào thời tiết mùa thu, đông và xuân. Trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016 ghi nhận các trường hợp mắc bệnh rải rác tại một số tỉnh, TP HCM, Sơn La, Hòa Bình, Gia Lai, Nam Định, Lạng Sơn, Hải Dương…, trong đó đã có trường hợp tử vong. Đây là ca bệnh đầu tiên Hà Nội ghi nhận.
Đây là căn bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng. Tính chất nguy hiểm của bệnh cũng do lây truyền qua đường hô hấp.
Nhằm chủ động trong công tác phòng chống bệnh do não mô cầu gây nên, tuần trước, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có công văn đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/TP đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/TP chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh do não mô cầu.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh do não mô cầu, các ổ dịch mới phát sinh, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc và các đối tượng nguy cơ để phát hiện sớm người lành mang trùng, điều trị dự phòng và triển khai kịp thời các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng.
Đặc biệt, khi phát hiện các ca bệnh cần nhanh chóng cách ly, xử lý môi trường, theo dõi người tiếp xúc gần để uống thuốc dự phòng. Các địa phương cần điều tra tất cả các trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng và tại các cơ sở điều trị lập báo cáo gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Pasteur và Cục Y tế dự phòng.
Bệnh não mô cầu nguy hiểm, và có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên đi tiêm vaccine phòng bệnh não mô cầu nhóm A,B và C. Vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, tiêm 1 liều duy nhất, nhắc lại 3 năm một lần.
Theo V.Thu (Báo Gia Đình và Xã Hội)