Dầu gội Pantene, Sunsilk, Clear, Rejoice, Enchenteur... chứa chất cấm

Nhiều loại sản phẩm dầu gội quen thuộc như Pantene, Sunsilk, Clear... chứa chất cấm nằm trong danh mục bị thu hồi vẫn đang được bán trên thị trường.

Tin tức trên TTXVN, nhiều loại sản phẩm dầu gội quen thuộc như Pantene, Sunsilk, Clear.... và rất nhiều loại dầu gội khác đã bị Cục quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu cấm lưu hành từ hơn 1 năm nay nhưng vẫn bày bán tràn ngập và công khai ngoài thị trường.

Các sản phẩm này lại nằm trong danh mục bị thu hồi do có chất cấm nhưng các hộ kinh doanh cũng không biết gì về thông tin này.

Đa số người dân đều ngạc nhiên trước thông tin này, vì họ tin tưởng tuyệt đối vào những sản phẩm có tên tuổi và vẫn đang được bán rất nhiều trên thị trường.

Tuy nhiên, theo công văn số 6577 của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế ban hành ngày 13/4/2015, tức là cách đây một năm thì các chất bảo quản Methylisothiazolinone và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone tỷ lệ 3:1 chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch.

Hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 và có thêm MIT thì không được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm.

Dau goi Pantene, Sunsilk, Clear, Rejoice, Enchenteur... chua chat cam - Anh 1

Công văn số 6577/QLD - MP của Cục Quản lý Dược và Mỹ phẩm, Bộ Y tế (Ảnh: DNVN)

Thông tin trên báo Pháp luật Việt Nam, cụ thể, quy định nêu cụ thể một số chất sử dụng trong mỹ phẩm như sau: “Các chất- Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối (tham chiếu 12a Annex V) được phép dùng riêng lẻ với nồng độ tối đa 0,14% (tính theo acid), và dạng hỗn hợp các paraben với tổng nồng độ tối đa là 0,8% (tính theo acid).

Thời hạn áp dụng quy định đối với Butylparaben và các muối, Propylparaben và các muối (tham chiếu 12a Annex V) nêu trên: Thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu đến hết ngày 31/12/2015”.

Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu được chỉ phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016 gồm: 05 paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) được bổ sung vào Annex II (các chất không được dùng trong mỹ phẩm).

Thời hạn áp dụng quy định đối với 05 paraben (Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) nêu trên: Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu có chứa các thành phần này chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015.

Bên cạnh đó, quy định nêu rõ: “Các chất bảo quản Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39, 57 Annex V): Hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 chỉ được sử dụng trong các sản phẩm rửa sạch (rinse-off products) với nồng độ không quá 0,0015%; Hỗn hợp MCT + MIT theo tỷ lệ 3:1 và có thêm MIT thì không được sử dụng trong sản phẩm mỹ phẩm.

Thời hạn áp dụng quy định đối với Methylisothiazolinone (MIT) và hỗn hợp Methylchlorothiazolinone với Methylisothiazolinone (MCT + MIT) (tham chiếu 39, 57 Annex V) nêu trên: Thời hạn công bố đối với các sản phẩm mới sản xuất trong nước, nhập khẩu đến hết ngày 01/7/2015; Các sản phẩm sản xuất trong nước, nhập khẩu chỉ được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016”.

Dau goi Pantene, Sunsilk, Clear, Rejoice, Enchenteur... chua chat cam - Anh 2

Theo quy định tại công văn, các sản phẩm chứa chất cấm trên chỉ được lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016 (Ảnh: DNVN).

Tìm hiểu thực tế, dường như văn bản yêu cầu thu hồi sản mỹ phẩm có chứa chất cấm của Cục Quản lý Dược đã bị các doanh nghiệp, công ty nhập khẩu, phân phối, sản xuất “coi như không có giá trị”?

Bởi lẽ, dù đã hết thời hạn lưu thông trên thị trường của những sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất cấm này từ ngày 30/4/2016. Nhưng đến nay, dường như các doanh nghiệp, công ty phân phối những sản phẩm này chưa có động thái thu hồi sản phẩm khi chúng vẫn được bày bán tràn lan từ những cửa hàng tạp hóa nhỏ, đại lý mỹ phẩm đến các siêu thị lớn.

Không những thế, hầu hết những người dân được hỏi về việc có biết Cục Quản lý Dược có văn bản thu hồi sản phẩm mỹ phẩm chứa chất cấm Methylisothiazolinone, hỗn hợp Methylechlorothiazolinone với Methylisothiazolinone hay không thì đa phần mọi người đều lắc đầu không biết.

Thậm chí, ngay cả nhân viên của một số đại lý kinh doanh, quầy hàng mỹ phẩm tại siêu thị lớn có bày bán các loại sản phẩm mỹ phẩm có chất cấm này cũng hoàn toàn không biết đến thông báo nào từ phía nhà phân phối, doanh nghiệp, công ty nhập khẩu, sản xuất ra loại mỹ phẩm này.

Thông tin trên TTXVN, những sản phẩm mỹ phẩm có chứa chất cấm mà phóng viên ghi nhận được mang nhãn hiệu Pantene, Sunsilk, Clear, Hazeline, Rejoice, Double Rich, Enchenteur… được sản xuất, phân phối trong nước đều nằm trong danh mục bị thu hồi.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có công văn chính thức gửi tới các hãng và công ty trực tiếp sản xuất các sản phẩm này. Tuy nhiên, từ chính các công ty lại không có động thái phản hồi tới các doanh nghiệp phân phối kinh doanh và người dân.

Do đó, thông tin về việc các sản phẩm này có chứa chất cấm và bị thu hồi chưa được các doanh nghiệp kinh doanh và người dân biết tới. Mặt khác, các sản phẩm này chiếm thị phần rất lớn tại Việt Nam. Do vậy, người dân rất cần một hướng giải quyết thỏa đáng từ phía các nhà sản xuất để họ có được một sản phẩm thay thế khác vừa phù hợp túi tiền, vừa đảm bảo chất lượng.

Ngọc Anh (Tổng hợp)